Các tay đua trẻ đã tạo nên giải đấu đầy cạnh tranh, phô diễn loạt kỹ năng đua xe đỉnh cao, kỳ vọng tiếp tục tỏa sáng trong những giải đua sắp tới; đồng thời thi đấu với tinh thần fair play, an toàn tuyệt đối.
Trường đua Đại Nam ở tỉnh Bình Dương ngày 2/7 chào đón các tay đua – vận động viên (VĐV) đua xe máy quy tụ tham gia giải đua môtô Awakening Road năm đầu tiên khởi tranh với cự ly một vòng đường đua dài 2,2km gồm 14 khúc cua trái, phải.
So với một số giải đấu khác chỉ chuyên sử dụng một loại môtô gây cảm giác nhàm chán, Awakening Road 2023 cho phép các VĐV sử dụng môtô phân khối lớn thuộc nhiều thương hiệu khác nhau, đang được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, đem đến cơ hội cho mọi người so sánh sức mạnh công nghệ của từng hãng thực tế trên đường Việt.
Không khí thi đấu gay gắt bộc lộ ngay từ lúc khởi tranh hệ thi đấu đầu tiên (SP155) khi một tay đua vừa có hiệu lệnh xuất phát (giàn đèn đỏ treo trên giá long môn của đường đua tắt) đã vặn dư ga thả côn sớm khiến xe bốc đầu rất cao nhưng sau đó ngã dúi dụi, phá sản ý đồ đề pa bứt tốc tối đa.
Một trong những ấn tượng là kỹ năng lái xe được nâng lên vượt trội so với tuổi cầm lái. Trong đó thao tác được các VĐV áp dụng thường xuyên là Kneedown (cạ gối) khi rẽ cua chữ V với tốc độ cao.
Ngoài ra hàng nghìn khán giả còn mãn nhãn với liên tiếp các pha VĐV nỗ lực đảo xe nhằm qua mặt nhau ở những khúc cua gắt.
Đáng kể tiếp theo là sự đeo bám quyết liệt của rất nhiều tay đua, với tinh thần không bỏ cuộc, bất chấp một ngày thi đấu với cường độ rất cao.
Vận dụng tất cả kỹ năng và sức mạnh cả về tinh thần và thể lực, từng tay đua cúi rạp người trên yên xe để rút ngắn thời gian so với đối thủ.
Đỉnh điểm các màn tranh tài là cuộc đua ở hệ SP400 khi tốc độ được đẩy lên rất nhanh, do đó các tay đua nhanh chóng hoàn thành chạy 10 vòng sân tương đương 22km với 140 lần ôm cua trái, phải.
Các VĐV trẻ còn được đánh giá cao bởi lối thi đấu điềm nhiên. Có tay đua bị đối thủ tăng tốc vượt qua rồi đột ngột cắt đầu xe nhưng vẫn bình tĩnh nhấp phanh tránh ngã, sau đó khôn khéo vượt lại mà không chơi xấu. Điều này góp phần rất lớn tạo nên giải đấu an toàn trong suốt hơn 180 phút tranh tài tốc độ quyết liệt.
Nhờ ý thức của đội đua và từng VĐV, kết hợp sự hỗ trợ của hệ thống chấm điểm điện tử hiện đại, kể cả sau cuộc đua cũng không có các cảnh “ăn vạ”, các màn tranh cãi vô lý hoặc các pha ẩu đả như từng xảy ra trong một số giải đấu trước đây.
Và rất đáng nhớ là hành động đầy tính nhân văn khi tay đua vô địch mời các đối thủ hạng nhì, hạng ba cùng đứng chung bục cao nhất và cùng chia sẻ chai sâm banh uống mừng dành cho những người chiến thắng.
Chỉ trước đó ít phút, họ còn cắn răng mím môi quyết tâm vượt nhau đến từng centimét trên đường đua. Nhưng sau khi cuộc đua kết thúc, họ vẫn đối xử với nhau rất lịch sự trên tinh thần chấp nhận những giới hạn của mình, đồng thời học hỏi kỹ năng của đối thủ để nâng cao thành tích trong kỳ đua sắp tới.
Kết quả trong hệ đấu SP155 với cự ly 8 vòng đường đua Đại Nam, tay đua cán đích đầu tiên là Trần Gia Huy (số đua 79), sinh năm 2005, thuộc đội đua No.1 Racing, cầm lái chiếc Honda CBR150 với tổng thời gian là 11:52.105 (đơn vị tính: phút), trong đó vòng chạy nhanh nhất là 1:28.431. Về nhì là Trần Công Phước (98), 1998, Mon Motorbike Workshop, Suzuki GSX R150. Về ba là Lê Nhật Trình (69), 2000, Dương Motor, Suzuki GSX R150.
Hệ UB150 gồm 8 vòng, chạm vạch đích trước tất cả là VĐV Trần Công Phước (98), 1998, No.1 Racing, Honda Winner 150 với tổng thời gian là 11:45.193 (đơn vị tính: phút), trong đó vòng chạy nhanh nhất là 1:26.725. Tiếp theo là Nguyễn Trung Kiên (11), 2004, Shop Hiệp Nguyễn, Yamaha Exciter 150; và Trần Gia Huy (79), 2005, No.1 Racing, Honda Winner 150.
Hệ SP(250-390) có 10 vòng, bảng vinh danh thành tích cao nhất gọi tên VĐV Phan Minh Phụng (26), 2000, Phan Phụng – No.1 Racing Team, Yamaha R3 với tổng thời gian là 13:57.740 (đơn vị tính: phút), trong đó vòng chạy nhanh nhất là 1:22.708. Nối tiếp là Nguyễn Hoàng Đăng Khoa (17), 1995, 17 RacingTeam, KTM RC390; và Hoàng Văn Thành (56), 2004, Thanh Moto, KTM RC390.
Hệ SP400 gồm 10 vòng đường đua Đại Nam, chức vô địch thuộc về tay lái Nguyễn Nhựt Linh (số đua 58), sinh năm 1999, thuộc đội đua Orlen Racing với tổng thời gian là 13:11.939 (đơn vị tính: phút), trong đó vòng chạy nhanh nhất là 1:18.608. Hạng nhì là Phan Minh Thuận (99), 2000, NinoMotor. Hạng ba là Lê Khánh Lộc (68), 1995, DID YSS Racing. Toàn bộ môtô sử dụng trong hệ đua này đều là Kawasaki Ninja 400.
Đáng tiếc là hệ đấu SP600 và SP1000 không thể diễn ra do đường đua chỉ thiết kế theo chuẩn cho môtô dưới 500cc. Bù lại, các tay đua đã trình diễn lái xe 1000cc an toàn.
Và không thể thiếu các pha nghiêng xe điêu luyện.
Giải Awakening Road 2023 đã thu hút lượng lớn khán giả và các lò luyện kỹ năng lái xe tốc độ cao ở khắp cả nước tham gia, khích lệ các tay đua trẻ tham gia mà không bị bó buộc bởi bất cứ thương hiệu xe nào. Những cái tên như Trần Gia Huy, Hoàng Văn Thành, Nguyễn Trung Kiên… tuổi đời còn rất trẻ, hứa hẹn còn thời gian dài dày công tập luyện để trở thành các VĐV đua xe đạt nhiều thành tích cao hơn nữa tại các trường đua trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Chương, Ủy viên Liên đoàn Xe đạp – Môtô Thể thao TP.HCM, chia sẻ: “Awakening Road còn có nét đặc sắc là giải đua chính quy đầu tiên hội tụ nhiều thương hiệu môtô phân khối lớn khác nhau thi đấu; nhưng phải là xe nguyên bản (không được nâng công suất máy), trở thành giải tiên phong trong vấn đề này tại Việt Nam nhằm đảm bảo công bằng cho các VĐV ngay từ hệ phong trào. Awakening Road sẽ là giải thường niên và lưu điểm cũng như xếp hạng cho các VĐV tham gia suốt mùa giải, làm nền tảng để tổ chức những sân chơi bổ ích, hợp pháp cũng như tạo dựng lại hình ảnh đua xe công bằng tại Việt Nam”.